Có anh công tác trong ngành xây dựng. Gia đình ở TP.HCM nhưng anh hầu như có mặt thường trực ở công trình tận Long Thành, Đồng Nai. Mỗi tháng, anh tranh thủ về thăm nhà ba-bốn lần. Một ngày trước khi về, anh thường gọi điện thoại thông báo cho vợ biết “ngày mai anh sẽ về...”. Anh lên kế hoạch hoành tráng để bù đắp cho những đêm chăn đơn gối chiếc của vợ. Nói là vậy, nhưng anh thực hiện chẳng được bao nhiêu. Có lần, vợ làm cơm chờ sẵn, nhưng anh lại ham vui, trên đường về ghé nhà bạn thân để “lai rai tâm sự”. Mười giờ tối mới về đến nhà, vợ giận, chẳng thèm “đụng” đến. Anh cũng ngà ngà, chỉ muốn ngủ. Vậy là “hỏng hết bánh kẹo”.



Đàn ông dễ sa đà theo mối quan hệ bạn bè. Đi công tác xa về, hoặc công tác ở xa, thỉnh thoảng mới về thăm nhà, họ cũng nghĩ, cũng nhớ nhiều đến vợ con, nhưng lời mời mọc từ bạn thân, bạn hàng xóm khiến họ “dễ dãi”.


Dù cách xa đó, mong chờ đó, nhưng nằm bên một người chồng nồng nặc bia rượu, người vợ cũng bị mất nhiều cảm xúc đợi chờ. Khi ấy, dẫu ái ân có diễn ra, người chồng cũng không còn giữ được “phong độ” như lúc tỉnh táo, còn người vợ đôi khi chỉ miễn cưỡng cho xong.


Nếu không vướng vô rượu bia, những người đàn ông đi xa về cũng dễ bị “xuất binh” sớm. Với người nam, đặc biệt những người vốn không giỏi trong “giữ nhịp thời gian”, quãng thời gian không ái ân càng dài, thì khi “tiến hành” trở lại, hiệu quả càng kém. Ấy là chưa kể, do quãng thời gian cách xa, người chồng càng háo hức, nhạy cảm với sự “đụng chạm”, việc “làm chủ cuộc chơi” càng khó hơn.


Tất nhiên, quãng thời gian cách xa đã tạo ra một cơ hội lớn trong việc giúp cả hai có cảm xúc “cứ như mới”. Thuận lợi vẫn nhiều hơn khó khăn, so với trường hợp cả hai gặp nhau mỗi ngày. Cơ hội tốt như vậy, lại càng không thể để những cản trở nhỏ làm hỏng chuyện.


Nếu người chồng xem trọng vợ, anh ấy sẽ biết chọn gặp vợ như “ưu tiên một”, bạn bè là phụ, nếu có thời gian thì gặp, không gặp cũng chẳng sao. Với những người phải thường xuyên công tác xa, ít nhiều họ vẫn mơ hồ lo ngại vợ không giữ được mình. Nhưng lo suông là chưa đủ. Họ phải bù đắp bằng hành động cụ thể, mà bù đắp nghĩa là họ phải thực hiện “nghĩa vụ” như vốn có, và có thể để vợ “truy thu” thêm, ít nhiều tùy vào khả năng của người chồng.


Chuyện “xuất binh” sớm của chồng, người vợ biết đó là cơ chế bình thường. Trong nhiều trường hợp, người vợ có thể khéo léo biến “hiệp đầu” thành món “khai vị”, để tổ chức tiếp “món chính” ở “hiệp hai” ngay sau đó. Bình thường, quý ông có thể thờ ơ với “hiệp hai”, nhưng khi đã ở trong trường hợp ở xa mới về, sự háo hức, khao khát cao khiến họ rất muốn có được “món chính” ấy.


 ThS-BS MAI BÁ TIẾN DŨNG



 
Top